Vé Xem Múa Rối Nước Bông Sen
úa rối là một loại hình nghệ thuật ra đời từ rất sớm và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vào thế kỷ V trước công nguyên tại Hy Lạp cổ đại, người ta phát hiện ra những dấu tích đầu tiên về nghệ thuật này. Nghệ thuật múa rối bắt nguồn từ những trò chơi với việc sử dụng những con rối để diễn trò, đóng kịch trên sân khấu. Nếu căn cứ vào không gian biểu diễn sân khấu thì múa rối được chia thành hai loại: Nghệ thuật múa rối nước và nghệ thuật múa rối cạn.
Từ văn hóa dân gian tới văn hóa dân tộc
Trước đây múa rối nước chỉ là một trò chơi của nhân dân lao động, nông dân, để mua vui, rồi trở thành một nhóm người chơi tiến lên một phường, một gánh diễn và dần phát triển thành một nền văn hóa của con người Việt. Qua nhiều thế kỉ hình thành và phát triển, múa rối nước truyền thống trải qua những thăng trầm, lúc phát triển rực rỡ khi lại trầm lắng, rơi vào nguy cơ mai một, nhưng vẫn giữ được “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”. Có thể nói múa rối nước là một báu vật của dân tộc, thể hiện văn hóa truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, tái hiện sinh hoạt hay những cái rất đời thường hàng ngày, tái hiện hơi thở, cái hồn và ước mơ của người Việt, của làng quê Việt.
Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện qua rối nước
Giá trị nghệ thuật của múa rối nước được khắc họa rõ nét qua bố cục, đường nét, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu bằng những tác phẩm công phu, những con rối tinh xảo, kĩ năng điều khiển điêu luyện, sự kết hợp hài hòa giữa sân khấu nước, ánh sáng và âm nhạc… Múa rối nước là tổng hợp của các môn nghệ thuật sân khấu: hát chèo, kịch nói, kỹ năng rối,...
Trên sân khấu, quân rối - một tạo hình độc đáo - tái hiện những gì thường gặp nơi xóm làng, đồng ruộng. Ngôn ngữ trong rối nước không hề cao sang mà mang chất đời, có sử dụng tục ngữ, ca dao, dân ca, đôi khi kết hợp với văn học trong sự kết hợp của hành động như ca, múa, nhạc, diễn, hề…
Nghệ thuật của rối nước còn được thể hiện qua “bí truyền”, rằng múa rối nước chỉ học được qua sự hướng dẫn, truyền lại từ thế hệ trước tới thế hệ sau những giá trị quý báu, những kĩ thuật tinh tế mà không thể ghi chép lại trong sách vở. Chính vì vậy, mỗi địa phương lại có những dấu ấn riêng, kĩ thuật riêng, tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật rối nước. Đó là trí tuệ, sự thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Mặt nước và ánh sáng - bộ đôi kỳ ảo
Theo dân gian, không gian tự nhiên của rối nước gắn liền với thủy đình ngói đỏ cong cong, với ánh sáng thực của mây trời in trong đáy nước, của gió lao xao gợn nước lăn tăn từng đợt. Có lẽ chẳng có nghệ thuật biểu diễn nào lại khiến mặt nước sinh động đến thế với những con rối tưởng chừng thật vô tri.
Tiếng nước sóng sánh, tiếng cá bơi lội, bọt nước xối lên, tan hòa giữa cỏ cây, hoa lá thực. Tất cả đã mang lại một đời sống sinh động dưới mái thủy đình, thổi hồn cho những con rối giả lướt trên mặt nước. Nước chính là nhân tố tạo nên cái “thần” của múa rối nước, là nơi bao bọc, ẩn giấu, thoắt ẩn thoắt hiện tài tình của những con rối nước.
Dẫu vậy, trong những không gian nghệ thuật của những nhà hát đậm chất Tây phương giữa lòng thành phố, cái mặt nước cùng ánh sáng tự nhiên ấy của rối nước đã mất đi. Tưởng chừng như ánh sáng nhân tạo không thể mang lại cái nét nên thơ dân dã, ấy vậy mà với sự dàn dựng tài tình, những chùm ánh sáng trắng vàng trong những nhà rối đã cùng mặt nước tạo thành bộ đôi kỳ ảo.
Trong không gian của những nhà hát múa rối hiện đại, người đạo diễn sẽ sử dụng ánh sáng trắng hoặc vàng để phản chiếu xuống nước, làm nổi bật lên nước sơn của nhưng con rối sặc sỡ. Nước sơn óng ánh phản chiếu ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo, khiến vở diễn càng trở nên sống động lạ kỳ.
Đặc biệt, những vở múa rối đều bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn. Bởi vậy mà ánh sáng lung linh đã mang tới cho những con rối một sân khấu đậm chất huyền bí, kỳ diệu nhất, toát lên đúng chất của những câu chuyện cổ trước mắt khán giả mọi lứa tuổi.
đòi hỏi những phẩm chất tuyệt vời
Việc tạo hình con rối không có một trường lớp nào đào tạo được, bởi cái hồn của nhân vật không phải là khuôn mẫu có sẵn. Ví như để tạo hình người nông dân thì phải đục sao cho có hình hài, cốt cách mà ai nhìn vào cũng nhận ra đó là người nông dân. Người nghệ nhân khi tạo hình con rối không áp đặt khuôn mẫu nào cả, dù là 100 ông quan, 100 anh lính… thì đều có những nét khác nhau.
Các con rối nước truyền thống là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo nghiêm túc, gian khổ nhưng đầy cảm hứng. Ở sân khấu múa rối, tất cả phải sáng tạo từ đầu, không có nhiều mẫu sẵn, phải tự hình dung, trước hết phải nghiên cứu kỹ kịch bản để làm rõ nét cá tính nhân vật, từ dáng dấp, kích thước, cao, thấp... rồi máy móc hoạt động ra sao để phù hợp và hiệu quả với không gian biểu diễn. Họ vừa phải sáng tạo, vừa phải khéo léo, kiên trì.
Quan trọng hơn nữa, người nghệ nhân còn cần mang trong mình tình yêu quê hương, yêu lao động, phải làm bằng đam mê. Để có được những con rối vừa có tính thẩm mỹ, vừa thể hiện nội dung phong phú, vừa bám sát thực tiễn, người nghệ sĩ tạo hình con rối phải có tri thức nghề nghiệp một cách vững vàng. Việc học tập kinh nghiệm của lớp nghệ nhân, học các lớp người đi trước theo phương pháp truyền nghề là cách để nghệ thuật tạo hình con rối trường tồn với thời gian.
Những nghệ nhân đã chắt lọc cái đẹp từ tự nhiên và chuyển hòa vào hình ảnh con rối. Thông qua óc thẩm mỹ, sự cảm thụ nghệ thuật, sự sáng tạo của người nghệ nhân đã biến rối nước thành cầu nối giữa đại chúng với với di sản văn hóa dân tộc. Vẻ đẹp phong phú, đa dạng mà mộc mạc của các loại đồ chơi dân gian tạo nên ở mỗi người những rung động, những xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ và hình thành thái độ thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ.
Không giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, môi trường diễn xướng của múa rối thường gắn liền với một cấu trúc sân khấu đặc biệt với tên gọi thủy đình. “Thuỷ” là nước, “đình” là đình làng. Thủy đình được dựng lên giữa ao, hồ, mang kiến trúc và dáng dấp đặc trưng của những mái đình nông thôn. Nó còn được gọi với cái tên là nhà rối hay buồng trò, nơi mà người nghệ nhân rối nước sẽ đứng để điều khiển rối nước.
NSƯT Quốc Vũ - Phó Phòng Tổ chức biểu diễn và Nghệ thuật tại Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Trong dân gian, khi các nghệ sĩ biểu diễn ở làng quê, sân khấu rất đơn giản, họ có thể lấy một cái ao, hồ bất kỳ có thể đứng ở dưới mặt nước để diễn được, họ đưa một chiếc mành nhìn xuyên qua được ra, cuối cùng che thêm một tấm liếp để trở thành một sân khấu. Và khán giả sẽ ngồi quây quần xung quanh để xem. Đó chính là sân khấu dân gian của rối nước”.
Sân khấu của rối nước cũng được trang bị rất nhiều dụng cụ với cờ, quạt, voi, võng lọng, cổng… mang tới không khí đậm chất dân gian và truyền thống của đời sống tại các làng quê Bắc Bộ. Để mặt hình ảnh của sân khấu luôn hoàn hảo nhất, tất cả các khâu tạo hình mỹ thuật đều phải có tính liên kết cao, thể hiện sự phối hợp ăn ý giữa người đạo diễn và họa sĩ.
Là một thể loại nghệ thuật biểu diễn truyền thống, âm nhạc chính là nhân tố thổi hồn cho từng bước chuyển động của từng con rối. Âm nhạc trong múa rối đặc trưng bởi những giai điệu truyền thống của nhạc cụ dân gian: tiếng trống, tiếng mõ, sáo, tù và, của những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục từ đáy nước vang lên.
Những người nghệ sĩ hai bên cùng góp những lời ca, tiếng hò theo từng chuyển động của con rối, linh động đối đáp trong từng chuyển cảnh, tạo nên vẻ nhộn nhịp linh đình không kém bất kỳ một lễ hội nào của nhịp sống trên cạn.